- 23 Tháng Sáu, 2023
- 0 Bình luận
- 820 Lượt xem
Những chuyển động trên thị trường trà sữa Việt, quy mô đứng thứ 3 khu vực
Việt Nam là thị trường trà sữa lớn thứ ba khu vực Đông Nam Á tính đến năm 2021.
Sức hút từ thị trường
Mới đây, một nghiên cứu chung từ Momentum Works và qlub đã chỉ ra rằng quy mô của thị trường trà sữa Việt Nam đạt mức 362 triệu USD trong năm 2021, chỉ đứng sau hai thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan (749 triệu USD) và Indonesia (1,6 tỷ USD).
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên China Daily, mặc dù mỗi cốc trà sữa có giá không hề rẻ, song người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn sẵn sàng chi tiền để mua trà sữa quanh năm, cao điểm là vào mùa hè. Nhu cầu lớn kết hợp với quy mô thị trường ở mức cao trong khu vực đã chứng minh tiềm năng và sức hút của thị trường trà sữa tại Việt Nam.
Theo công ty dịch vụ tư vấn Fortune Business Insights, giá trị thị trường trà sữa toàn cầu đạt 2,02 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 3,39 tỷ USD vào cuối năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 7,2% trong giai đoạn trên.
Với mức giá dao động trung bình trong khoảng 30.000 đồng – 70.000 đồng cho từng kích cỡ, topping,… trà sữa là loại đồ uống có tần suất sử dụng ở mức cao, đặc biệt được yêu thích bởi giới trẻ.
Theo khảo sát từ Unica, trên địa bàn TP Hà Nội, có tới 50% người được hỏi cho biết họ mua ít nhất một cốc trà sữa mỗi tuần đơn giản vì loại đồ uống này ngon, hợp khẩu vị, nhanh gọn và thuận tiện cho việc mang đi.
Chia sẻ với tờ Doanh nghiệp hội nhập, ông Trần Ngọc Ẩn, đại diện hãng trà sữa Gong Cha Việt Nam, cho hay trà sữa không phải là món ăn nổi lên như kiểu trào lưu ngắn hạn, sớm nở tối tàn như mì cay hay xoài lắc. Thay vào đó, trà sữa dần trở thành một loại thức uống quen thuộc hơn với người Việt, xuất hiện một cách phổ biến.
Các ông lớn mở rộng quy mô
Thời gian qua, các chuỗi trà sữa tại Việt Nam liên tục tăng nhanh về số lượng cửa hàng. Trên các tuyến phố, khách hàng có thể dễ dàng bắt gặp các cửa hàng trà sữa của những tên tuổi như Koi Thé, Gong Cha, Tocotoco, Bobabop, The Alley, Phúc Long, Ding Tea, The Coffee House,…
Thực tế, ngay cả những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng không bỏ qua cơ hội để gia nhập thị trường đang ngày càng phát triển và có quy mô cả nghìn tỷ đồng này.
Chẳng hạn, vào tháng 5/2021, Masan công bố thỏa thuận mua lại 20% cổ phần CTCP Phúc Long Heritage với giá 15 triệu USD. Khi ấy, Phúc Long được định giá 75 triệu USD. 8 tháng sau, Masan chính thức thâu tóm Phúc Long khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% với 31% cổ phần mua thêm trị giá 110 triệu USD, tương đương mức định giá 355 triệu USD.
Mới nhất, Công ty TNHH The SHERPA, một công ty con sở hữu gián tiếp của Masan đã mua hơn 10,8 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương 34% lợi ích vốn chủ sở hữu của CTCP Phúc Long Heritage, đơn vị sở hữu chuỗi đồ uống Phúc Long, với tổng số tiền thanh toán là hơn 3.600 tỷ đồng. Như vậy, nhờ kết quả của giao dịch này, lợi ích vốn chủ sở hữu của Masan trong Phúc Long Heritage đã tăng từ 51% lên 85%.
Với những con số trên, mức định giá của chuỗi Phúc Long đã được nâng lên khoảng 10.640 tỷ đồng (hơn 450 triệu USD). Như vậy, chỉ sau hơn một năm về tay Masan, mức định giá của chuỗi đồ uống Phúc Long đã tăng gấp 6 lần.
Khoản đầu tư của Masan và Phúc Long bước đầu đã đạt được những kết quả. Theo báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm, Phúc Long Heritage đạt doanh thu 820 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước.
Một đơn vị lớn khác là KIDO cũng ra mắt chuỗi Chuk Coffee & Tea. Trước mắt mục tiêu của Chuk Tea & Coffee là cũng cố, chinh phục thị trường Hà Nội. Tiếp đó, sẽ mở rộng sang các tỉnh thành phía Bắc như: Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Cho đến hết năm 2023, Chuk Tea & Coffee dự kiến sẽ có mặt tại tất cả các tỉnh thành tại Việt Nam. KIDO dự kiến doanh thu toàn hệ thống từ nay đến cuối năm của toàn chuỗi sẽ trên 500 tỷ đồng.
Để đạt được những mục tiêu này, cuối năm 2021, KIDO đã ký kết hợp tác với Central Retail để mở rộng kinh doanh. KIDO cho biết Chuk Chuk dự kiến sẽ có mặt tại chuỗi Go Mart trực thuộc Centrail Retail Việt Nam với số lượng dự kiến cho đến cuối năm 2022 là 10 cửa hàng.
Nhưng vẫn có những cái tên phải rời thị trường
Bên cạnh việc mở rộng quy mô cửa hàng của nhiều thương hiệu, có không ít cái tên cũng phải “ngậm ngùi” rời khỏi thị trường trà sữa Việt do không thể cạnh tranh với các đối thủ khác.
Một trong những cái tên đáng chú ý nhất khi nói tới các thương hiệu trà sữa rút khỏi thị trường Việt phải kể tới Ten Ren, thương hiệu trà sữa Đài Loan gia nhập thị trường Việt từ năm 2017 và từng tạo ra “cơn sốt” trong giới trẻ. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm hoạt động, Ten Ren đã đóng toàn bộ chuỗi 23 cửa hàng.
Một trong những lý do khiến Ten Ren phải đóng cửa hàng tại Việt Nam là do chưa thực sự hiểu thị trường và nhu cầu khách hàng người dùng trà sữa tại Việt Nam. Mặc dù những thức uống của Ten Ren được giới trẻ thích thú nhưng có thể thấy các món trên menu của Ten Ren không thực sự mới mẻ, không có “món ruột” ghi điểm trong khẩu vị người dùng. Hầu hết thiết kế của chuỗi cửa hàng Ten Ren cũng chưa thực sự thu hút và để lại ấn tượng cho khách hàng.