- 23 Tháng Mười Một, 2021
- 0 Bình luận
- 188 Lượt xem
Bí mật kiếm tiền thú vị đằng sau việc mở nhà hàng buffet Sen, Chef Dzung,…
Hãy xem xét trường hợp của Minh Quân. Anh cao khoảng 1m8, nặng khoảng 70kg. Minh Quân có niềm đam mê bất tận với hải sản, đặc biệt là ghẹ. Và khá bất ngờ khi gần đây anh bị một nhà hàng buffet cho vào danh sách đen, từ chối phục vụ vì ăn quá nhiều ghẹ. Câu chuyện của Quân gây sốc cho bạn bè và đồng nghiệp khi việc cấm khách hàng ăn buffet là điều hiếm khi xảy ra.
Vậy tại sao nhà hàng này quyết định như vậy? Khi một ai đó mua dịch vụ ăn buffet thỏa thích, họ đều mong muốn lượng thực phẩm được quy ra bằng tiền họ có thể ăn lớn hơn mức giá họ đã trả. Rốt cuộc, nếu bữa tiệc buffet có giá 400 nghìn bất kể bạn ăn bao nhiêu thì những người ăn nhiều nhất sẽ nhận được nhiều giá trị nhất từ nó.
Nhưng thực tế số lượng tiêu thụ trung bình của khách hàng không được vượt quá giá bán, nếu không nhà hàng sẽ thua lỗ và phá sản. Vì vậy, nếu số lượng trung bình được tiêu thụ là 450 nghìn đồng thực phẩm, thì nhà hàng sẽ phải tăng giá lên trên 450 nghìn đồng. Điều này có nghĩa là những người ăn nhiều hơn 400 nghìn đồng nhưng ít hơn 450 nghìn đồng sẽ không còn thấy đáng để ăn ở đó nữa, vì vậy họ sẽ dừng lại. Và khách hàng trung bình còn lại sẽ là những người ăn nhiều hơn 450 nghìn đồng. Về phía nhà hàng, họ lại tiếp tục tăng giá.
Quá trình này tiếp tục diễn ra, cho đến khi chỉ còn một anh chàng đi ăn buffet với lượng thực phẩm 500 nghìn đồng và bị tính phí đúng 500 nghìn đồng cho bữa đó. Về lý thuyết cho rằng không nên tồn tại mô hình các bữa tiệc buffet ăn thỏa thích. Tuy nhiên thực tế giới kinh doanh họ vẫn mở nhà hàng và phần lớn vấn đề lựa chọn bất lợi không gây ra vấn đề gì. Ngoại trừ, có vẻ như đối với Minh Quân.
Lý thuyết lựa chọn bất lợi lần đầu tiên được George Ackerlof áp dụng vào thị trường ô tô đã qua sử dụng vào những năm 1970. Vấn đề thực sự là người mua và người bán có thông tin bất đối xứng. Trong ví dụ về tiệc buffet, thông tin không đối xứng là nhà hàng không thể biết ai sẽ ăn một tấn ghẹ và ai không. Có nghĩa là họ không thể sàng lọc trước những người có khả năng ăn nhiều như Minh Quân.
Có lẽ ứng dụng phổ biến và nổi tiếng nhất của lý thuyết lựa chọn bất lợi là trong ngành bảo hiểm. Ở đây bạn có những công ty bảo hiểm không thể quan sát mức độ rủi ro của khách hàng và do đó mọi người đều bị tính phí như nhau. Cũng giống như trong trường hợp ăn buffet, những người sẽ mua bảo hiểm là những người dự tính có chi phí chăm sóc sức khỏe dự kiến vượt quá chi phí bảo hiểm. Do không thể tính phí những khách hàng rủi ro về chi phí bảo hiểm dự kiến cao, hoặc sàng lọc tất cả họ, công ty bảo hiểm tiến hành chi trả cao với nhiều khách hàng và do đó phải tăng giá bán. Điều này bắt đầu một quá trình tương tự như trong trường hợp kinh doanh buffet. Cuối cùng, mô hình dự đoán rằng thị trường bảo hiểm không nên tồn tại.
Về lý thuyết cả kinh doanh buffet và bảo hiểm sức khỏe đều không nên tồn tại nhưng vì sao những mô hình này vẫn xuất hiện trên thị trường?
Trong trường hợp bảo hiểm, một lời giải thích phổ biến do Amy Finkelstein đưa ra là sự ngại rủi ro đôi khi tương quan với rủi ro thấp. Điều này có nghĩa là số đông những người khác đánh giá cao việc được bảo hiểm trước những kết quả xấu. Và những người coi trọng bảo hiểm nhất cũng là những người có chi phí bồi thường dự kiến thấp. Bạn biết kiểu người này: Những người rất an toàn, ít rủi ro, rất có trách nhiệm và cũng rất khỏe mạnh.
Trong khi đó những người tham gia bảo hiểm có mức độ chấp nhận rủi ro cao liên quan đến leo núi, đua xe, thể thao mạo hiểm lại tương đối ít. Và thậm chí nhiều công ty bảo hiểm có những điều khoản loại trừ để chi trả cho những trường hợp này mặc dù xác suất xảy ra khá thấp.
Với trường hợp kinh doanh buffet tự chọn thì sao? Họ cũng phải đối mặt với vấn đề lựa chọn bất lợi như kinh doanh bảo hiểm. Và ngay cả khi họ có thể biết ai sẽ ăn quá nhiều thì việc từ bỏ một ngành kinh doanh có khả năng sinh lời sẽ không xuất hiện chỉ bởi trường hợp rất hiếm khi xuất hiện như Minh Quân.
Với số đông thực khách mặc dù họ có ý tưởng sẽ lựa chọn đồ ăn làm sao cho có lợi nhất, bù được giá mình bỏ ra nhưng các nhà hàng kinh doanh cũng đầy đủ cơ sở dữ liệu để biết được mức tiêu thụ trung bình là bao nhiêu. Ngoài ra họ cũng có những chiến lược thông minh khác như dùng đĩa bé để tạo ra cảm giác nhanh no cho thực khách, miễn phí các loại nước có chi phí rẻ như trà, nước cam hay tạo ra độ khan hiếm với những món đắt tiền.
Theo cafebiz.vn