- 23 Tháng Chín, 2021
- 0 Bình luận
- 289 Lượt xem
Quản lý nhà hàng khách sạn
Nhà hàng – Khách sạn là ngành công nghiệp không khói gắn liền phương châm hoạt động chính là mang lại cho khách hàng cảm giác thoải mái, vui vẻ và hài lòng nhất với từng dịch vụ mà họ trải nghiệm. Để có thể tạo nên bầu không gian tổng hòa đáp ứng được tiêu chí “hiếu khách” đặc thù của ngành, mỗi bộ phận trong nhà hàng, khách sạn phải liên kết chặt chẽ và phối hợp nhịp nhàng dưới sự chỉ đạo của người đảm nhận vị trí quản lý. Cương vị người quản lý ngày càng trở nên tất yếu và quan trọng do họ góp phần rất lớn vào thành công của nhà hàng, khách sạn
Để có một khởi đầu ít bỡ ngỡ và toàn tâm theo đuổi lâu dài ngành Quản lý Nhà hàng – Khách sạn, trước hết, học viên nhập môn cần có cái nhìn bao quát lẫn chi tiết về vai trò, nhiệm vụ, cơ hội nghề nghiệp và đối tượng theo học của ngành Dịch vụ này. Vậy hãy cùng chúng tôi giải đáp nhanh câu hỏi “Quản lý Nhà hàng Khách sạn là gì?” nhé.
Mục Lục
- 1 Quản lý nhà hàng khách sạn là gì?
- 2 Mô tả công việc ngành quản lý nhà hàng khách sạn
- 2.1 Quản trị nhân sự
- 2.2 Quản trị hoạt động tài chính
- 2.3 Giải quyết khiếu nại khách hàng
- 3 Triển vọng nghề quản lý nhà hàng khách sạn
- 3.1 Phục vụ bàn
- 3.2 Lễ tân
- 3.3 Nhân viên làm phòng
- 4 Đối tượng phù hợp học quản lý nhà hàng khách sạn
Quản Lý Nhà Hàng Khách Sạn Là Gì?
Quản lý nhà hàng khách sạn (Hotel and Restaurant Management) bao gồm các hoạt động về hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra mọi cá thể và hoạt động, quy trình diễn ra trong cơ sở kinh doanh lưu trú và ẩm thực như khách sạn, resort, nhà hàng, trung tâm hội nghị tiệc cưới…
Mô Tả Công Việc Ngành Quản Lý Nhà Hàng Khách Sạn
Ngành Quản lý Nhà hàng – Khách sạn được hiểu tổng thể là ngành cung cấp nguồn nhân lực đảm nhiệm các hoạt động bao gồm điều hành, tổ chức, hoạch định, giám sát, kiểm tra, đánh giá… mọi cá thể và chu trình hoạt động bên trong nhà hàng, khách sạn.
Tùy theo quy mô, cơ cấu hoặc bộ phận chịu trách nhiệm mà vai trò của người quản lý Nhà hàng – Khách sạn sẽ khác nhau. Tuy nhiên, công việc chính của quản trị viên Nhà hàng – Khách sạn sẽ xoay quanh các hoạt động sau:
Quản Trị Nhân Sự
– Đề xuất tuyển dụng các chức danh trong nhà hàng, khách sạn
– Tham gia tuyển chọn và đào tạo nhân viên mới
– Đánh giá kết quả đào tạo và thử việc
– Phân công, sắp xếp lịch làm việc và đôn đốc nhân viên thực hiện theo tiến độ
– Đảm bảo sức khỏe, quyền lợi của nhân viên
Quản Trị Hoạt Động Tài Chính
– Theo sát báo cáo chi phí, doanh thu và lợi nhuận nhà hàng, khách sạn
– Đề ra các biện pháp tăng doanh thu, hạ chi phí
– Theo dõi số lượng tiền tip hàng ngày
– Trực tiếp kí và hủy hóa đơn bán hàng
Giải Quyết Khiếu Nại Khách Hàng
– Tổ chức theo dõi, đánh giá mức độ hài lòng của khách theo quy trình công ty
– Trực tiếp giao tiếp với khách hàng để giải quyết những tình huống xấu mà nhân viên cấp dưới chưa giải quyết ổn thỏa
– Xây dựng mối quan hệ tốt với khách quen, tạo nên ấn tượng tốt đẹp trong mắt khách hàng
Ngoài ra, ngành Quản lý Nhà hàng – Khách sạn còn bao gồm các khía cạnh khác như Quản trị cơ sở vật chất, Quản trị chất lượng phục vụ, Quản lý thương hiệu… Tất cả đều đòi hỏi kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng nghiệp vụ thành thục.
Triển Vọng Nghề Quản Lý Nhà Hàng Khách Sạn
Lĩnh vực Nhà hàng – Khách sạn hiện tại là ngành rất khát nhân lực. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Nhà hàng Khách sạn có thể đảm nhiệm tốt nhiều bộ phận khác nhau, từ cấp bậc nhân viên như lễ tân tiền sảnh, nhân viên giặt là cho đến vị trí cao như quản lý nhà hàng, quản lý buồng phòng… tại các nhà hàng, khách sạn, resort, trung tâm hội nghị và cơ quan du lịch với mức lương và chế độ đãi ngộ nhân viên hấp dẫn.
Bạn có thể tham khảo lộ trình nghề nghiệp của một vài vị trí trong ngành như sau:
Phục Vụ Bàn
Thu nhập cho bồi bàn dao động từ 5,5 – 8 triệu/tháng (đã bao gồm phí phục vụ, tiền tip, phụ cấp). Phục vụ bàn là vị trí khởi đầu cơ bản nếu bạn muốn làm trong lĩnh vực F&B (Ẩm thực).
Lộ trình thăng tiến: Phục vụ bàn => Trưởng ca => Giám sát => Quản lý nhà hàng => Quản lý F&B => Giám đốc F&B
Lễ Tân
Thu nhập khởi điểm cho lễ tân 4 – 5 sao là 7 – 8 triệu. Nếu giỏi bán phòng, dịch vụ thì mức thu nhập có thể chạm ngưỡng gần 20 triệu. Lễ tân 3 sao trở xuống có thể thấp hơn (nhưng yêu cầu tuyển dụng sẽ thấp hơn 4 – 5 sao).
Lộ trình thăng tiến: Lễ tân => Giám sát lễ tân => Trưởng bộ phận lễ tân => Phó tổng giám đốc => Tổng giám đốc
Nhân Viên Làm Phòng
Lương khởi điểm cho nhân viên buồng phòng ở khách sạn 4 – 5 sao là 5 – 6 triệu đồng (chưa tính tiền tip, bonus, phụ cấp, phúc lợi từ khách sạn).
Lộ trình thăng tiến: Nhân viên buồng phòng => Giám sát tầng => Giám sát buồng phòng => Trưởng bộ phận buồng phòng => Phó tổng giám đốc => Tổng giám đốc.
Đối Tượng Phù Hợp Học Quản Lý Nhà Hàng Khách Sạn
Nhà hàng – Khách sạn là ngành dịch vụ mến khách và hướng tới mục tiêu chính là chăm sóc, phục vụ và thỏa mãn nhu cầu khách hàng ở mức tối ưu. Do đó, để theo đuổi ngành này, bạn cần xác định bản thân có thực sự yêu thích công việc chăm sóc và phục vụ người khác hay không.
Nhắc đến vai trò quản lý, chắc chắn không thể bỏ qua tố chất lãnh đạo. Nắm bắt tâm lý nhân viên, khách hàng, tư duy nhanh nhạy đề ra giải pháp tức thời và hiệu quả, khả năng kết nối và truyền cảm hứng cho mạng lưới nhân viên… là những tố chất mà nhà quản trị tiềm năng cần có.
Nhà quản lý giỏi là người biết cách truyền cảm hứng và động lực cho nhân viên
Ngoài ra, khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cũng là tiêu chí đánh giá bạn có thực sự thích hợp với nghề hay không, bởi nhà hàng, khách sạn là môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ cực kỳ năng động và đòi hỏi ở nhà quản lý năng lực sử dụng ngôn ngữ ở mức thành thục.
Nguồn: lamaca tổng hợp và Hướng Nghiệp Á Âu.